Home » Archives for tháng 1 2021
Tổng kết Bất động sản năm 2020 tỉnh Bình Dương
Năm 2020 được xem là năm của đại dịch và thiên tai, đã ảnh hưởng và tác động sâu rộng đến kinh tế - xã hội ở nước ta nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng, và tình hình thị trường BĐS cũng không nằm ngoài làn sóng này. Tuy nhiên, Bình Dương không bị ảnh hưởng lớn của thiên tai, có lộ trình kiểm soát dịch bệnh khá tốt nên tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh cũng bị ảnh hưởng không quá lớn. Nền kinh tế được xem là có mức tăng trưởng khá tốt so với cả nước, đặc biệt là thị trường bất động sản.
-
Bất động sản Bình Dương năm 2020 rất sôi động với hàng loạt
các dự án được tung ra thị trường, đặc biệt phát triển cực kỳ sôi nổi tại khu
vực Thuận An, Dĩ An khi 2 địa phương này được công nhận là thành phố từ đầu năm
2020.
-
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 469 dự án
phát triển nhà ở thương mại, hiện đang triển khai. Các dự án nhà ở phân bố
không đồng đều, hiện đang tập trung ở mức độ cao tại các khu vực đô thị phía Nam
của tỉnh.
-
Trong giai đoạn thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh giai
đoạn 2016-2020, đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư mới 178 dự
án với quy mô sử dụng đất khoảng 850ha, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng
11,82 triệu m², tương đương với 68.221 căn nhà.
-
Từ đầu năm 2020 đến nay, các Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh
về việc đăng ký đầu tư dự án phát triển nhà ở là 24 dự án, với quy mô sử dụng
đất khoảng 160ha; chấp thuận chủ trương đầu tư cho 39 dự án, với quy mô sử dụng
đất khoảng 95,25ha, diện tích sàn xây dựng khoảng 2,21 triệu m2 tương đương với
22.618 căn nhà; chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho
người dân tự xây dựng 10 dự án (Khu nhà ở nông thôn Nam Long; Khu nhà ở nông
thôn Nam Long 3; Khu nhà ở Tuấn Điền Phát 3; Khu nhà ở chuyên gia Phú Uy Khang;
Khu nhà ở thương mại Phú Huy; Khu nhà ở Tài Lộc; Khu nhà ở Hưng Phát An Điền;
Khu nhà ở Lộc Phát; Khu nhà ở Vĩnh Tân; Khu nhà ở thương mại Hoàng Nam 2). Sở
xây dựng đã thông báo dự án đủ điều kiện huy động vốn theo hình thức bán nhà ở
hình thành trong tương lai 08 dự án (Khu căn hộ cao tầng Tín Điền (Stown Phúc
An 1); Chung cư A1 thuộc dự án Khu liên hợp Cao ốc Sóng Thần; Khu căn hộ Bcons
Garden; Chung cư Tân Hoà (Building); Khu nhà ở cao tầng – Eden Thuận An; Khu
dân cư EcoLake Mỹ Phước (lô R11); Nhà ở xã hội và công viên cây xanh; Chung cư
A2 thuộc dự án Khu liên hợp Cao ốc Sóng Thần).
-
Hiện nay, việc phát triển các dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh
đã có bước phát triển so với giai đoạn trước, trong đó, có các dự án phát triển
nhà ở chung cư tại các đô thị phía Nam, đã thu hút các nhà đầu tư trong và
ngoài nước tham gia phát triển phân khúc này. Theo Kế hoạch phát triển nhà ở
tỉnh giai đoạn 2016-2020, tính đến nay đã phát triển mới 27 dự án với quy mô sử
dụng đất 18,57ha, 2,67 triệu m2 sàn nhà ở, tương đương 33.304 căn
hộ.
-
Đối với các huyện phía Bắc của tỉnh
(huyện Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên và Dầu Tiếng),
dưới tác động của xu hướng phát triển thị trường bất
động sản nhà ở, cùng với chiến lược phát triển công nghiệp địa phương, một số địa
phương vốn không có chỉ tiêu phát triển nhà ở thương mại, tuy nhiên, do nhu cầu thu hút dân cư đến làm việc
tại các khu, cụm công nghiệp mới, nên cần phát triển thêm các loại hình nhà ở, trong
đó, có phát triển nhà ở thương mại để đáp ứng nhu cầu nhà ở có xu hướng
tăng trong thời gian tới, cùng với tốc độ phát triển công nghiệp – dịch vụ ngày
càng tăng tại các huyện phía Bắc của tỉnh.
- Trong
số các nhà đầu tư trên địa bàn, chỉ riêng Tổng Công ty Becamex IDC đã quy hoạch
xây dựng 118.241 căn nhà ở xã hội tạo chỗ ở cho 319.171 người. Đến nay, dự án
đã hoàn thành trên 45.000 căn, phục vụ cho hơn 112.000 người.
-
Vậy câu hỏi đặt ra, tại sao trong lúc cả nước đang chịu ảnh
hưởng nặng nề về kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai thì tình hình
bất động sản ở Bình Dương lại phát triển sôi động. Có thể thấy, năm 2020 là năm
kế thừa các thành tựu được xây dựng vững mạnh từ các năm trước, cả về kinh tế,
xã hội, hạ tầng…
Với
nền móng vững chắc, thị trường bất động sản Bình Dương không chỉ phát triển
trong năm 2020 mà còn phát triển mạnh mẽ ở những năm kế tiếp, nguyên nhân chủ
yếu là:
Thứ nhất, đầu năm 2020, Thuận An, Dĩ An được
UBTV Quốc Hội ký quyết định công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh, tính đến
nay, Bình Dương có đến 03 thành phố (Tp. TDM được công nhận là thành phố từ năm
2012). Cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu toàn tỉnh sẽ đạt chuẩn đô
thị loại 1 trong vài năm sắp tới. Để đạt được mục tiêu đề ra, lãnh đạo tỉnh
đang tiến hành thực hiện các chỉ tiêu bắt buộc về dân số, kinh tế -xã hội, đất
đai, cây xanh, giao thông, phát triển đô thị, dịch vụ, các công trình hạ tầng
kỹ thuật, hạ tầng xã hội…
Thứ hai, Bình Dương được Diễn đàn Cộng đồng
thông minh thế giới (ICF) vinh danh Smart21 trong hai năm liên tiếp 2018 và 2019.
Đề án thành phố thông minh được triển khai từ năm 2016 với hạt nhân là thành
phố mới Bình Dương, nhằm phát triển, vươn tới một nền kinh tế năng động, sáng
tạo, có khả năng thích ứng với những biến chuyển của thế giới. Ngoài ra, Bình
Dương còn được chọn là nơi tổ chức Phiên họp Đại hội đồng WTA lần thứ 11 và
Diễn đàn đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018; là nơi tổ chức Diễn đàn Hợp tác
kinh tế châu Á Horasis trong hai năm 2018 và 2019. Các sự kiện trọng đại này,
là điểm sáng gây sự chú ý mạnh đối với các nhà đầu tư không chỉ trong nước mà
còn trên thế giới.
Thứ ba, được mệnh danh là thủ phủ công
nghiệp, Bình Dương hiện đang sở hữu 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp.
Trong tháng 9/2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,74% so với cùng
kỳ. Khả năng thu hút vốn đầu tư của tỉnh cũng khá cao, từ đầu năm đến tháng
09/2020, đã thu hút được 4.284 doanh nghiệp đầu tư trong nước đăng ký kinh
doanh mới, với tổng số vốn là 29.675,7 tỷ đồng và 953 doanh nghiệp điều chỉnh
tăng vốn, với tổng số vốn tăng thêm là 21.243,5 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày
31/8/2020, toàn tỉnh có 46.668 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới, với tổng số
vốn là 412.556 tỷ đồng. Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ đầu năm đến
ngày 31/8/2020, đã thu hút 731,1 triệu USD,
trong đó: số dự án cấp giấy chứng nhận đầu tư mới 94 dự án với tổng số
vốn đăng ký là 461,5 triệu USD và 71 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn
đăng ký tăng là 269,6 triệu USD. Chia theo địa bàn đầu tư: Các khu công nghiệp
thu hút 155 dự án với tổng vốn 600,3 triệu USD. Ngoài khu công nghiệp thu hút
41 dự án với tổng vốn 131 triệu USD.
Thứ tư, Bình Dương có vị trí chiến lược cực
kỳ quan trọng của khu vực phía nam khi tiếp giáp với các địa phương như thành
phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước… Cùng với một vị trí chiến lược
lý tưởng là một cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại với các tuyến
đường lớn như QL 13, QL 14, cao tốc Mỹ Phước Tân Vạn… ngoài ra, Bình Dương rất may mắn khi có các
dòng sông lớn như sông Sài Gòn, sông Thị Tính và Đồng Nai chảy qua, nhờ vậy,
Bình Dương có thể nối với các cảng lớn ở phía Nam,và là nơi trọng tâm của việc
giao lưu hàng hóa với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Không những vậy, Bình
Dương là tỉnh có khí hậu tương đối ổn định, không có thiên tai, bão lũ hàng năm
nên thu hút khá nhiều dân cư về làm ăn, sinh sống.
Thứ năm, Bình Dương là tỉnh có dân số đông
đứng thứ 6 của Việt Nam với hơn 2,4 triệu dân (số liệu thống kê đến ngày
01/04/2019). Sau mười năm, dân số Bình Dương tăng hơn 1 triệu người, tốc độ dân
số tăng cơ học rất cao do có nhiều người dân nhập cư, hơn 50% dân số Bình Dương
là dân nhập cư, trong đó hơn 75% đang trong độ tuổi lao động. Việc tăng dân số
nhanh cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho thị trường bất động
sản nơi đây sôi động hơn hẳn.
Thứ sáu, thị trường bất động sản ở Thành phố
Hồ Chí Minh đang bị thiếu hụt do quỹ đất ở đây ngày càng hạn hẹp, giá bất động
sản rất cao (gấp 3 lần giá đất các khu vực lân cận), ngoài ra thủ tục xử lý hồ
sơ ở đây cũng khá phức tạp. Khi thị trường ở tp. HCM khan hiếm thì các thị
trường lân cận có ưu điểm như Bình Dương luôn được lựa chọn hàng đầu.
Thứ bảy, Bình Dương luôn có những chính sách
thông thoáng, cởi mở để thu hút đầu tư. UBND tỉnh còn đảm bảo các chính sách rõ
ràng, công khai minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư nước
ngoài đến Bình Dương để làm việc. Các thủ tục thực hiện cũng được rút gọn và
giải quyết nhanh chóng theo đúng quy định.
Long An: Phúc Land “phân lô” cả cánh đồng lúa bán cho khách hàng?
DNHN - Dù hiện trạng vẫn là các ruộng lúa bạt ngàn, thế nhưng ngày 3/1/2020, Công ty Phúc Land đã tổ chức buổi bán hàng, nhận tiền giữ chỗ mua nền đất của khách tại dự án KDC Long Cang.
Theo thông tin quảng cáo về dự án đất nền có tên KDC Long Cang (xã Long Cang, huyện Cần Đước), phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được vị trí cụ thể dự án. Dừng bên vệ đường lớn, hỏi thông tin, một người dân chỉ tay về hướng màu xanh thẩm: “Phía đồng lúa kia, có chiếc máy xúc đang đỗ đấy, chỗ xẻo đất màu đen đấy”.
Đồ họa dự án KDC Long Cang RiverPark.
Chúng tôi khá ngạc nhiên bởi, đập vào mắt chúng tôi là cánh đồng lúa bạt ngàn. Trong lời nói, người đàn ông có vẻ không mấy mặn mà. Theo người đàn ông này thì gần đây, các chủ đầu tư không biết ở đâu về đua nhau mở các dự án đất nền, phân lô nền bán.
Hệ quả của việc đô thị hóa cục bộ và cơn sốt đất tức thời là sự biến mất các đồng lúa, người nông dân bị thu hẹp tư liệu sản xuất, thay vào đó là các dự án đất nền. Phần lớn lợi nhuận rơi vào tay các nhà đầu cơ bất động sản cơ hội từ nơi khác đến chứ không phải người nông dân trong vùng.
Chúng tôi men theo con đường bê tông rộng độ rộng 3 gang tay vào giữa cánh đồng, hai bên vẫn là các ruộng lúa xanh mướt vừa ngậm đòng. Vệt lúa xanh thẫm nối dài đến tận chiếc máy múc phía xa, cạnh đụn đất vừa mới ủi, xới.
Dự án KDC Long Cang River Park hiện là cánh đồng lúa.
Những mỹ từ về khu dân cư “đáng sống”, “cộng đồng văn minh”, “an cư” gắn cái tên mỹ miều Long Cang RiverPark hoàn toàn ngược lại với thực tại. Một cánh đồng lúa đúng nghĩa.
Những năm gần đây người ta quá quen thuộc với quy trình làm dự án đất nền của các chủ đầu tư: xin chủ trương từ cơ quan chức năng, quyết định phê duyệt 1/500 cho dự án, khởi công dự án sơ sài lấy cớ “đầu tư cơ sở hạ tầng”… và tổ chức bán hàng để huy động vốn.
Dự án Long Cang RiverPark có vẻ không ngoài quy trình đó. Ngày 3/1/2020, ở khoảnh đất cạnh cánh đồng này, một đơn vị kinh doanh có tên Phúc Land đã tổ chức buổi bán hàng, nhận tiền giữ chỗ của khách. Buổi bán hàng diễn ra khá xôm tụ, tập trung đội ngũ bán hàng đông đảo.
Tại đây, Phúc Land đã phát hành mẫu văn bản có tên “Giấy biên nhận thỏa thuận chọn vị trí tại dự án khu dân cư Long Cang” để thực hiện nhận tiền chuyển nhượng đất của khách hàng. Số tiền Phúc Land nhận giữ chỗ từ 5 triệu đến hàng chục triệu đồng tùy đối tượng khách hàng.
Buổi mở bán dự án trái phép dự án Long Cang River Park.
Trong mẫu văn bản này Phúc Land sẽ ghi mã số nền, diện tích nền, loại đất, tổng giá trị nền và chèn nội dung: “Sau khi xem vị trí, pháp lý dự án, KDC Long Cang và mẫu hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Địa ốc Phúc Land, bên mua đất đồng ý chọn vị trí…”.
Theo ghi nhận của phóng viên, giá “chuyển nhượng” nền đất tại dự án KDC Long Cang thể hiện trên mẫu thỏa thuận được Phúc Land “hét” giá không hề thấp. Đối với nền đất diện tích 95m2, loại đất ONT (đất chuyển đổi thành thổ cư) có giá tới 1.358.500.000 đồng. Vị chi, mỗi mét vuông đất nông nghiệp ở dự án hiện tại, nếu chịu “xuống tiền”, khách hàng phải trả hơn 14 triệu đồng/m2 khi đất được chuyển thành thổ cư trong tương lai.
Như vậy, bằng mẫu văn bản “thỏa thuận chọn vị trí” nêu trên, Phúc Land đang lách các quy định pháp luật để chuyển nhượng sản phẩm, huy động vốn khách hàng, dù dự án chưa đủ điều kiện bán sản phẩm hình thành trong tương lai.
Thông báo chính sách bán hàng tại dự án "ruộng lúa" Long Cang River Park.
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án KDC Long Cang mà Phúc Land đang huy động vốn của khách hàng tọa lạc tại xã Long Cang, có tổng diện tích khoảng 10,4ha, trong đó chỉ có hơn 2,3 ngàn m2 đất thổ cư, hơn 1 ngàn m2 đất nuôi trồng thủy sản, còn lại là đất trồng lúa (LUC). Các diện tích đất này được cơ quan chức năng cấp từng GCNQSDĐ cho cá nhân chứ không phải cho công ty.
Phúc Land đã huy động vốn ký hợp đồng thu tiền khách hàng.
Liên quan đến dự án trên, ngày 4/9/2019, UBND tỉnh Long An ban hành Quyết định chủ trương đầu tư số 3255/QĐ-UBND chấp thuận nhà đầu tư là Công ty TNHH MTV Đầu tư kinh doanh Bất động sản Thiện Chí (trụ sở tại huyện Cần Đước) để đầu tư dự án.
Dựa vào Quyết định trên, ngày 5/11/2020, Công ty Thiện Chí ký hợp đồng ủy quyền số 01-TC-PL cho Công ty Phúc Land (trụ sở tại Quận Tân Phú, TP HCM) được quyền “bán, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê các sản phẩm BĐS trong dự án”.
Ngày 9/11/2020, Công ty Thiện Chí tiếp tục ký với Công ty Phúc Land “Hợp đồng phân phối độc quyền bất động sản” số 01-TC-PL. Theo đó, Công ty Phúc Land được quyền phân phối dự án Long Cang, thông tin dự án được nêu trong Quyết định chủ trương đầu tư số 3255/QĐ-UBND. Điều đáng nói, Quyết định chủ trương đầu tư số 3255/QĐ-UBND, UBND tỉnh Long An chỉ có giá trị về mặt thuận chủ trương cho Công ty Thiện Chí đầu tư dự án trên diện tích hơn 10ha đất trên. Tuy nhiên, Phúc Land đã lập lờ, đem diện tích đất trên “phân lô” bán nền đối với khách hàng.
Điều đáng nói, theo Quyết định chủ trương đầu tư số 3255/QĐ-UBND thì UBND tỉnh Long An cho phép hết tháng 12/2020 chủ đầu tư Thiện Chí phải hoàn thành san lấp mặt bằng , xây dựng hạ tầng cơ bản, hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, điện, xử lý nước thải… tháng 1/2021 hoàn thành dự án. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra, chủ đầu tư gần như không thực hiện bất cứ nội dung gì theo quyết định trên.
Câu hỏi đặt ra, 10,4 ha đất trên Công ty Thiện Chí đã được chuyển mục đích sử dụng đất hay chưa? Công ty Thiện Chí đã hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với nhà nước hay chưa? Trong khi hiện tại dự án vẫn là cánh đồng lúa nhưng Phúc Land đã tổ chức bán dự án trái phép? Liệu có sự tiếp tay làm ngơ của cơ quan chức năng huyện Cần Đước để Công ty Phúc Land “phân lô” cả cánh đồng lúa bán cho khách hàng?
Phải hoàn thành nghĩa vụ thuế, hoàn chỉnh hạ tầng
Theo điểm b, c, khoản 1, Điều 41, Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luât Đất đai 2013 có quy định rõ Điều kiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền, bao gồm: “b) Chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải; c) Chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có);”.
Nguồn Theo https://doanhnghiephoinhap.vn/long-an-phuc-land-phan-lo-ca-canh-dong-lua-ban-cho-khach-hang.html